Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Nợ xấu của Habubank đã được giải trừ

Habubank - Dự thảo đề án đưa ra nhận định rằng, xu thế sáp nhập với các tổ chức tín dụng khác nhằm mở rộng quy mô và danh tiếng của ngân hàng trên thị trường đang được đẩy mạnh nhanh chóng và được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước; việc sáp nhập cũng tạo cơ hội tốt cho ngân hàng thực hiện quá trình tái cơ cấu một cách toàn diện nhằm tạo ra một diện mạo mới cho ngân hàng sẵn sàng để phát triển sau giai đoạn kinh tế khủng hoảng.


Habubank hiện đã có hệ thống quy trình quy chế hoạt động tương đối hoàn thiện và có đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn; có hệ thống gọn nhẹ - linh hoạt, đặc biệt có sự đoàn kết và nhất trí cao về chiến lược tái cấu trúc từ Hội đồng Quản trị, Ban điều hành đến toàn thể cán bộ công nhân viên.

Theo dự thảo đề án, với các yếu tố khách quan và sự cần thiết, “việc sáp nhập sẽ mang lại những lợi ích to lớn với bản thân Habubank nói riêng và hai ngân hàng sáp nhập nói chung”.


Cụ thể, việc sáp nhập với SHB sẽ giúp hai ngân hàng sáp nhập tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn; đặc biệt Habubank không còn nợ xấu, hai ngân hàng sáp nhập có cơ hội để cùng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập; mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn; bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, trong quản lý chi phí; những điểm mạnh của ngân hàng nhận sáp nhập sẽ hỗ trợ cho Habubank và ngược lại Habubank có nhiều điểm mạnh để hỗ trợ ngân hàng nhận sáp nhập.

Ngoài ra còn nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình sáp nhập do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Nếu tiến hành sáp nhập thành công, theo Habubank, kế hoạch này sẽ tạo ra một định chế tài chính có khả năng tồn tại và phát triển. Định chế này có vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước; có số lượng khoảng 500.000 khách hàng; khoảng 5.000 nhân viên; có các công ty con, có khả năng cung cấp các hoạt động hỗ trợ, gia tăng lợi ích cho khách hàng và tăng thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng; có địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia; có sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có các khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế như: than, khoáng sản, cây công nghiệp (cao su), phát triển hạ tầng và một lực lượng đông đảo các khách hàng SMEs hoạt động trong các ngành kinh tế khác nhau; có khả năng cung cấp các dịch vụ hiệu quả và an toàn cho một khối lượng lớn các khách hàng cá nhân…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét